Bình Phước nâng cao chất lượng, giá trị nông sản chủ lực

Bình Phước có khoảng 80% đất nông nghiệp trồng các loại cây công nghiệp chủ lực như cao-su, điều, hồ tiêu và cà-phê. Ðể gia tăng giá trị các nông sản chủ lực của địa phương, Bình Phước khuyến khích nông dân sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp sang các thị trường khó tính, ổn định cao… bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.

“Trẻ hóa” vườn điều, xây dựng thương hiệu hồ tiêu

Tỉnh Bình Phước hiện có gần 242 nghìn héc-ta cây cao-su, 134 nghìn héc-ta cây điều và hơn 16 nghìn héc-ta cây cà-phê. Do phần lớn diện tích cây công nghiệp, đặc biệt là cây điều đang bước vào giai đoạn già cỗi cho nên Bình Phước đã có nhiều chính sách “trẻ hóa” cây trồng bằng cách trồng mới hoặc cải tạo lại để có năng suất cao hơn.

Sau nhiều năm thử nghiệm, ngành nông nghiệp Bình Phước đã tìm ra giải pháp “trẻ hóa” vườn điều bằng phương pháp ghép chồi và hướng dẫn cho người dân áp dụng trong thời gian gần đây. Phương pháp này có ưu điểm là rút ngắn thời gian chăm sóc, tiết kiệm chi phí, cho năng suất cao; sau hai đến ba năm là có một vườn điều mới mà không phải chặt bỏ những cây già. Trong niên vụ điều 2016-2017, tỉnh Bình Phước hỗ trợ nông dân 44 tỷ đồng khôi phục vườn điều, nhờ vậy đến năm 2018 toàn tỉnh đã có 80% diện tích vườn điều được phục hồi.

Với diện tích khoảng 157.000 ha, tỉnh Bình Phước chiếm gần 50% diện tích điều của cả nước và cũng chiếm hơn 40% sản lượng điều thô của toàn quốc. Ðể nâng cao giá trị và khẳng định vị trí số 1 của sản phẩm điều, năm 2018 tỉnh đã xây dựng chỉ dẫn địa lý và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước. Các sản phẩm từ hạt điều được chứng nhận gồm: Hạt điều nguyên liệu, hạt điều nhân và hạt điều rang muối. Ðến nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước cho bốn doanh nghiệp chế biến hạt điều xuất khẩu, gồm: Công ty cổ phần Sản xuất – Thương mại – Xuất nhập khẩu Sơn Thành, Công ty cổ phần Hà Mỵ, Công ty TNHH Mỹ Lệ và Công ty TNHH MTV sản xuất Hoàng Phú. Tỉnh Bình Phước cũng hỗ trợ cho 63 cơ sở sản xuất, kinh doanh điều với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ xây dựng sáu mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến hạt điều xuất khẩu; ứng dụng năm máy phân loại mầu, 16 máy bóc vỏ lụa hạt điều, năm hệ thống nồi hơi dùng xử lý hạt điều thô và 30 máy cắt tách hạt điều trong dây chuyền chế biến hạt điều xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Cùng với việc “trẻ hóa” vườn điều, Bình Phước xây dựng thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh, với hơn 30% diện tích tiêu toàn tỉnh, sản lượng mỗi năm ước đạt hơn 12.000 tấn tiêu đen.

Ðể xây dựng và khẳng định thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung đổi mới kỹ thuật trồng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong những năm qua, Bình Phước nỗ lực liên kết chặt chẽ “bốn nhà” để tạo ra khối lượng sản phẩm có chất lượng, ổn định, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, huyện Lộc Ninh tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về nhãn hiệu hàng hóa; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân làm ảnh hưởng đến danh tiếng, chất lượng và “Nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Lộc Ninh”.

Ðến nay, huyện Lộc Ninh đã thành lập được bảy hợp tác xã trồng tiêu kiểu mới, sản xuất theo quy mô lớn, đồng nhất về cây giống, cách chăm sóc và áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước. Việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng trong sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Hoàng Nhật Tân cho biết: Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và quy trình sản xuất tiêu sạch, sản lượng hồ tiêu của Lộc Ninh thời gian qua luôn dẫn đầu toàn tỉnh. Người trồng tiêu luôn tuân thủ những khuyến cáo của chính quyền, ngành nông nghiệp, đồng thời tăng cường đầu tư chăm sóc cây hồ tiêu đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm chất lượng hồ tiêu sạch. Từ đó, đầu ra sản phẩm và giá hồ tiêu luôn ổn định. Hiện, Công ty Nedspice Việt Nam (vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất gia vị xuất khẩu đặt nhà máy tại Bình Dương) đã ký kết với nông dân bao tiêu toàn bộ sản phẩm hồ tiêu sạch của Lộc Ninh.

Theo đánh giá của đại diện Công ty Nedspice Việt Nam, mô hình nông dân liên kết thành hợp tác xã sản xuất kiểu mới phù hợp tiêu chuẩn quốc tế là cách làm khoa học, đúng định hướng. Tuy nhiên, người dân trồng tiêu sạch phải liên kết, mạnh dạn sản xuất lớn để làm giàu chính đáng.

Ðưa nông sản địa phương vươn xa

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm cho biết: Cùng với việc xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực của địa phương, tỉnh đang tiến tới nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã. Tỉnh đang từng bước hoàn thiện chuỗi liên kết từ sản xuất – chế biến – chất lượng – thị trường – thương hiệu, tiến tới loại bỏ hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng không đồng đều. Ðối với những doanh nghiệp có tiềm năng, thế mạnh về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, Bình Phước có chính sách hỗ trợ vay vốn để trang bị các thiết bị hỗ trợ sản xuất; thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước về tỉnh đầu tư, nhất là doanh nghiệp chế biến chuyên sâu về chế biến hạt điều. Hằng năm, tỉnh tổ chức các hội nghị, hội thảo cấp trong nước và quốc tế nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

Hiện nay, Bình Phước có hơn 500 doanh nghiệp và khoảng 1.000 cơ sở chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 2 tỷ 240 triệu USD. Trong đó hạt điều, hồ tiêu, các sản phẩm của ngành cao-su Bình Phước đã xuất khẩu sang các nước như: Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan, Ca-na-đa, Anh,… với kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân khoảng 130 triệu USD/năm, chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Riêng ngành điều có khoảng 200 doanh nghiệp và 400 cơ sở chế biến nhỏ lẻ, trong đó có 31 doanh nghiệp lớn với tổng công suất khoảng 82.000 tấn/năm, sản phẩm đã được xuất khẩu đến 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 50.000 lao động. Nông dân đang sống nhờ kinh tế vườn điều có 75.000 hộ, trong đó phần lớn là hộ dân tộc thiểu số.

Ðể các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh vươn xa ra thị trường thế giới, Bình Phước cần đẩy mạnh hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính và đổi mới cơ chế chính sách khoa học công nghệ. Ðặc biệt, đẩy mạnh liên kết hợp tác về khoa học công nghệ giữa các tỉnh thuộc khu vực Ðông Nam Bộ để khai thác các nguồn lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực; chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; mạnh dạn thực hiện chế độ khoán kinh phí đến sản phẩm cuối cùng để tạo điều kiện thuận lợi và tự chủ hơn cho các nhà khoa học… tiến tới nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh. Ðẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu bảo tồn và quản lý quỹ gien cây trồng mang thương hiệu Bình Phước; ứng dụng công nghệ sinh học, chuyển đổi công nghệ trong sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

VI